Thắng cảnh Hòn Bà ở La Gi và Lễ hội Vía Bà ngày 21 – 23/3 âm lịch
18/09/2024
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài biển khơi, cách bờ khoảng 2km, thuộc phường Bình Tân thị xã La Gi, khoảng từ thế kỷ XVII trở về trước, người Chăm xây dựng đền thờ và thờ phụng nữ thần Thiên Ya Na hàng năm ở đảo. Thắng tích Hòn Bà đã được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng cấp tỉnh tại Quyết định xếp hạng số 2153/QĐ-UBND ngày 30/10/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo thông lệ từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm, nhân dân tại phường Bình Tân tổ chức Lễ hội Hòn Bà. Trong những ngày diễn ra tế lễ, dân địa phương tề tựu về đây chiêm bái, thỉnh nguyện được an lành cuộc sống mưu sinh, lao động trên biển của họ được thuận buồm, xuôi gió và đánh bắt được nhiều tôm cá.
Bên cạnh đó, khi đi du lịch đến La Gi, bạn sẽ được nghe kể câu chuyện cảm động về nguồn gốc của đảo Hòn Bà. Ngày xưa, có một cặp vợ chồng sống trên mảnh đất La Gi. Họ có một cuộc sống hạnh phúc tưởng chừng không gì có thể chia tách được. Một ngày, người chồng nghe thấy tiếng chim lạ hót và rồi đem ná, đi theo tiếng chim về phía núi xa với hy vọng sẽ gặp điều may mắn. Khi đến một vùng đất lạ, chàng không thấy các loài thú rừng nhưng xung quanh lại là khung cảnh ngập tràn hoa và mỹ nhân xinh đẹp. Cứ thế, chàng đã quên đường trở về với người vợ thân yêu. Ở nhà, người vợ nấu nước sôi mong ngóng chồng trở về mang theo thịt thú rừng và những bộ lông thú sặc sỡ. Ngày qua ngày, người vợ vẫn kiên trì nhóm lửa hồng để giữ cho nồi luôn sôi. Nhưng vào một đêm được báo mộng, nàng nhận ra chồng đã phụ bạc mình, vì vậy nàng hất đổ nồi nước sôi và dậm chân ba lần, bỗng động Bà Sang tách rời khỏi đất liền như một lời đoạn tuyệt. Từ đó có đảo Hòn Bà như ngày nay.
Ngoài ra, còn có nhiều địa điểm khác liên quan đến câu chuyện “cừu hận” này. Theo người dân, suối nước nóng Bình Châu hiện nay được hình thành do nồi nước sôi bị hất đổ. Núi Ông ở Tánh Linh, Bình Thuận được xem như biểu tượng của người chồng hướng về biển Đông mong ngóng vợ và hy vọng được giải thích mọi chuyện.
Nguồn: https://lagi.binhthuan.dcs.vn/Tin-tuc/post/19909/le-hoi-hon-ba
https://vinwonders.com/vi/bai-viet-du-lich/dao-hon-ba