Vùng đất La Gi qua hơn 100 năm hình thành và phát
triển, với lợi thế tiềm năng “rừng vàng, biển bạc”, do đó mà La Gi trở thành vùng
đất “tụ nghĩa của lưu dân tứ xứ làm chổ đứng khởi động cho lộ trình phát triển”.
Từ những năm 1945, mảnh đất La Gi đã được định hình
một nơi “Đất lành, chim đậu”. Các biến động lịch sử và đời sống kinh tế tạo nên
các đợt di cư hội tụ về La Gi làm nên một cộng đồng xã hội mạnh mẽ, một vùng
đất với những con người trọn nghĩa, vẹn tình, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí
nhẫn nại, vươn tới tương lai.
Ngày 5/9/2005-đánh dấu một chặng đường phát triển mới-
thị xã La Gi được thành lập trên cơ sở tách ra từ Huyện Hàm Tân theo Nghị
định số 114 của Chính phủ.
Sau gần 13 năm nổ lực xây dựng-Ngày 17/1/2018-Thị xã
La Gi được Bộ Xây dựng ban hành Quyết định công nhận La Gi là đô thị loại III.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đảng bộ, chính quyền, lực
lượng vũ trang và nhân dân thị xã trên tinh thần đoàn kết, đổi mới, dân chủ,
sáng tạo, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, phấn đấu xây dựng La Gi trở
thành đô thị thương mại-dịch vụ-du lịch và là đô thị hạt nhân thúc đẩy phát
triển kinh tế-xã hội vùng phía nam của tỉnh Bình Thuận.
Và cũng từ đó, La Gi đã có những bước hội nhập và phát triển nhanh. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực
hoạt động kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, tiềm năng, lợi
thế của địa phương, nhờ đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến với vùng đất
này. Đến năm 2019, thị xã có trên 200 doanh nghiệp của các thành phần kinh tế
và 9.500 hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong đó
có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, là công ty, tập đoàn hoạt động trên phạm vi
cả nước. Tất cả đã tạo nên nhịp sống sôi động, hối hả và năng động ở đô thị trẻ
này.
Từ khi thành lập thị xã cho đến nay, 15 năm qua, để từng bước hiện
thực hóa mục tiêu tổng quát “phát triển thị xã theo hướng đô thị thương mại,
dịch vụ, du lịch”, La Gi đã đề ra nhiều
nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, cụ thể. Thương mại, dịch vụ, du
lịch, công nghiệp, xây dựng được xác định là khâu đột phá để phát triển kinh
tế. Minh chứng cho điều này khi tỷ trọng thương mại-dịch vụ đến nay chiếm 52.9
%, công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 21,7 % và nông lâm thủy sản giảm dần,
chỉ còn chiếm 25,4 %.

Trên địa bàn thị
xã, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện
đại. Các loại hình kinh doanh dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú theo hướng
hiện đại như siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, đại lý, kinh doanh online, khách
sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, du lịch tâm linh, dịch vụ làng nghề... Hiện thị xã có 1
Siêu thị Co.opmart La Gi đang hoạt động hiệu quả và nhiều siêu thị của các công
ty, doanh nghiệp lớn như Bách hóa xanh, Điện máy xanh, Thế giới di động, FPT.
Đặc biệt mỗi xã phường đều được đầu tư
xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả chợ dân sinh. Trong đó có chợ La Gi hạng 2
và 6 chợ hạng 3. Tất cả tạo thành mạng lưới thương mại rộng khắp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất và
tiêu dùng của Nhân dân từ trung tâm thành thị cho tới các xã vùng nông
thôn.
Nằm ở phía Nam của Tỉnh, giữa thiên đường du lịch là
TP.Phan Thiết và TP.Vũng Tàu, thị xã La Gi cũng đã sớm vươn mình và dần trở
thành hạt nhân chính trong phát triển kinh tế và du lịch biển của Tỉnh. La Gi
đang có lợi thế rất lớn khi vào đầu năm 2018 trở thành đô thị loại III và là đô
thị lớn thứ 2 của Tỉnh. Vì lẽ đó mà sau 15 năm lên đô thị, du lịch được xác
định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Từ kết cấu hạ tầng, giao thông,
điện, nước được đầu tư phát triển đến công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi
trường, văn minh thương mại tại các điểm du lịch được chú trọng. Và cũng từ đó
La Gi trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước
với các loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng sinh
thái biển với các sản phẩm dịch vụ du lịch mới và hấp dẫn. Hiện toàn thị xã có
99 cơ sở với 1.831 phòng, 12 dự án du lịch đi vào hoạt động có hiệu quả. Với
lợi thế, tiềm năng “Biển xanh-cát trắng-nắng vàng”, nhiều điểm du lịch nổi
tiếng được du khách biết đến như Ngãnh Tam Tân-Dinh Thầy Thím, Mõm Đá
Chim, Resort Đất Lành, Đồi Dương Ba Thật, Khu du lịch cộng đồng Cam Bình… Hàng
năm, lượng du khách đến tham quan nghĩ dưỡng tăng bình quân 9.45 %, thời gian
lưu trú ngày càng cao.
Có thể thấy từ khi lên đô thị, thì các dịch vụ phục vụ
nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng phát triển khá nhanh và đa dạng.
Các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư
vấn pháp lý, bất động sản, xây dựng… ngày càng tăng về số lượng và nâng cao
chất lượng dịch vụ. Hiện trên địa bàn thị xã trên lĩnh vực hoạt động vận tải có 1 HTX, 2 chi nhánh
Sun taxi và Mai Linh Taxi, 2 công ty TNHH Vinh Hoa và Cty TNHH Vận tải La
Gi-Hàm Tân. Từ đó đã đáp ứng nhu cầu vận
chuyển hàng hóa và hành khách nội tỉnh,
liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi và
an toàn cho
việc đi lại, nhất là đối với khách du lịch khi đến với La Gi và tạo nét văn minh khi
tham gia giao thông.
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm
2030, xác định thị xã La Gi là đô thị hạt nhân nằm trong vùng kinh tế phía Tây
nam Tỉnh Bình Thuận với thế mạnh của vùng là phát triển công nghiệp tập trung,
hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại; đồng thời cũng là đô thị nằm trên
trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia quốc lộ 55. Do đó mà trong những năm
qua, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển
công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở thị xã La Gi có chuyển biến. Đến nay, trên
địa bàn thị xã đã hình thành 4 cụm công nghiệp gồm: La Gi, Tân Bình 1,2 và 3
với tổng diện tích 180 ha. Đồng thời quan tâm phát triển một số ngành, nghề thế
mạnh để giải quyết tốt nhu cầu lao động tại địa phương như chế biến thủy sản,
sản xuất nước mắm, gia công hàng may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất
nhôm kính. Nếu như vào năm 2006, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt
4 triệu 720 ngàn USD thì dự kiến vào năm 2020 đạt trên 136 triệu USD. Thu ngân
sách nhà nước hàng năm địa bàn thị xã tăng 11,49 % . Đến hết năm 2019, đạt trên
2.272 tỷ đồng, tăng 7,4 lẩn so năm 2005.
Nằm ở cuối cực nam trung bộ, khí hậu, thời tiết ở La
Gi có 2 mùa nắng-mưa khá rõ rệt. Vì lẽ đó thuận lợi cho sản xuất, phát triển
kinh tế nông nghiệp và đời sống của người nông dân trên vùng đất này. Kể từ sau
khi chia tách địa giới hành chính, diện tích sản xuất nông nghiệp của thị xã bị
thu hẹp lại, tuy nhiên, với sự định hướng của ngành chức năng kết hợp sự năng
động, nhanh nhạy của bà con nông dân, cơ cấu cây trồng đã được chuyển đổi phù
hợp theo hướng nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Trên một
số vùng đất khô cằn, không thuận về nguồn nước tưới của những năm về trước thì
nay cũng đã tạo được thế đứng ổn định cho các loại cây ăn trái như thanh long, xoài,
dừa, mãng cầu…Và một khi tuyến kênh tiếp nước từ Hồ Sông Dinh 3-Hàm Tân về đập
Suốn Đó với chiều dài 980 mét được đưa vào sử dụng và tuyến kênh từ Hồ Sông
Dinh 3 về Hồ Núi Đất, riêng tại La Gi dài khoảng 13,8 km dự kiến hoàn thành
trong năm 2020 sẽ phát huy hiệu quả, nuôi lớn mầm xanh, cho người nông dân hoa
thơm, trái ngọt .
Nói đến biển là nói đến thế mạnh kinh tế lâu nay của
vùng đất cuối cực nam trung bộ này. Bởi La Gi được thiên nhiên ưu đãi khi có chiều
dài bờ biển 28 km, vùng biển tương đối điều hòa trong mọi thời tiết. Thực hiện
chủ trương phát triển đồng bộ ngành thủy sản, khai thác chế biến với bảo vệ
nguồn lợi tài nguyên môi trường, những năm qua, kinh tế thủy sản La Gi ngày
càng phát triển theo hướng toàn diện, bền vững. Các chính sách hỗ trợ phát
triển thủy sản được thực hiện kịp thời. Chỉ riêng trong 5 năm gần đây, thực
hiện Quyết định 48 của Chính phủ, đã có 939 lượt tàu cá đánh bắt trên vùng biển
xa được hỗ trợ gần 63 tỷ đồng. Giá trị sản xuất thủy sản được nâng lên, sản
lượng đánh bắt mỗi năm bình quân đạt 62.600 tấn. Năng lực tàu thuyền tiếp tục tăng. Hiện toàn thị xã có 2.122 chiếc. Trong
đó tàu thuyến đánh bắt xa bờ, có chiều dài từ 15 mét trở lên có 716 chiếc. Đã
thành lập, củng cố và duy trì 79 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển với
884 thuyền tham gia và 2 nghiệp đoàn nghề cá với 30 tàu/301 đoàn viên. Từ đó ngư dân La Gi vững tin bám biển, khai thác có hiệu
quả và tận dụng lợi thế tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi để khá lên từ biển và làm giàu từ biển.
Hướng đến xây dựng đô thị La Gi theo
hướng hiện đại, đô thị xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng đô thị văn
minh và nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Đến nay đã có 4/5 phường gồm Tân
An, Tân Thiện, Phước Hội, Phước Lộc đạt chuẩn văn minh đô thị và ¾ xã gồm Tân
Tiến, Tân Hải và xã Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới. Qua từng năm, bộ mặt
cảnh quan, môi trường đô thị lại có những đổi thay khởi sắc. Hiện nay, các khu
đô thị mới P.Phước Hội, Khu đô thị mới P.Tân Thiện, Khu đô thị mới Đông Tân
Thiện, Tây Tân thiện đang được đầu tư theo quy hoạch. Mà một khi hoàn thành sẽ
tạo nên một diện mạo mới cho bộ mặt, cảnh quan của một đô thị hạt nhân vùng
kinh tế phía tây nam tỉnh Bình Thuận.
Nhìn lại những năm qua, đầu tư phát
triển kinh tế là vấn đề được Đảng bộ, chính quyền thị xã tập trung quan tâm,
thế nhưng với sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao đời
sống văn hóa và giữ vững quốc phòng, an ninh cũng đã được quan tâm thực hiện
một cách cân xứng. Hướng đến tương lai, điều phải nghĩ đến đó là một thế hệ
trẻ có kiến thức, có năng lực, có ý chí với niềm tự hào về truyền thống cách
mạng của quê hương. Xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, vì thế hàng loạt
chủ trương chính sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được triển khai thực hiện,
nhờ vậy mà quy mô, chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục hàng năm đều được
nâng lên.
Minh chứng khá rõ nét là hệ thống trường
lớp được đầu tư, nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhất
là ở vùng biển, nông thôn. Đến nay, thị xã có 43 đơn vị trường học với trên 21
ngàn học sinh. Trong đó có 20 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập được
duy trì. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh giỏi, số
lượng học sinh tốt nghiệp tăng theo từng năm học. 100 % CB,GV đạt chuẩn đào
tạo về sư phạm, đáp ứng yêu cầu chất lượng trong dạy và học khá bền
vững.
Đời sống, sức khỏe nhân dân địa
phương ngày càng được chăm sóc tốt hơn. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và
hoàn thiện. 100% xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng tốt yêu cầu
khám chữa bệnh của nhân dân từ trung tâm cho đến các vùng xa. Bệnh viện La Gi được nâng cấp thành Bệnh viện đa khoa khu
vực, đạt tiêu chuẩn bệnh viện tuyến II, với trang
thiết bị, máy móc được đầu tư hiện đại, đảm bảo cho việc chẩn đoán, xác
định bệnh. Đi kèm với công tác chăm sóc
sức khỏe nhân dân thì lĩnh vực ATTP, KHHGĐ, BHYT cũng đã được thị xã đặc biệt
quan tâm, đạt hiệu quả cao để rồi mục tiêu cuối cùng là đời sống sức khỏe của
người dân địa phương đã được chăm sóc tốt hơn lên rất nhiều.
Một khi đời sống vật chất được
nâng lên thì đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng được quan tâm đúng
mức. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục phát triển và
từng bước được xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cuộc vận động
TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng thôn, khu phố văn hóa và cơ quan đơn vị đạt chuẩn
văn hóa tiếp tục phát triển theo hướng nâng dần chất lượng. Các thiết chế văn
hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Các khu di tích lịch sử, văn hóa được quan
tâm trùng tu, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của người dân địa phương và du
khách. Hiện trên địa bàn thị xã nhiều CLB TDTT được hình thành và thường xuyên
hoạt động. Có trên 50 điểm luyện tập thể thao như hồ bơi, sân bóng đá mini cỏ
nhân tạo, phòng tập thể hình, yoga và các điểm tập luyện võ thuật với giá trị
đầu tư xây dựng trên cả chục tỷ đồng…đã đáp ứng và phục vụ nhu cầu rèn luyện
thể dục thể thao cho nhân dân.
Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công
với cách mạng, công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thị
xã đã vận động quỹ ĐOĐN được 6.921 triệu đồng. Hỗ trợ cho 240 gia đình người có
công với cách mạng xây dựng, sữa chữa nhà ở. Song song đó, chương trình giảm
nghèo cũng được thực hiện đồng bộ và tích cực. Đã vận động quỹ vì người nghèo
được trên 17 tỷ đồng. Từ đó hỗ trợ nhà ở cho 787 hộ nghèo và 259 hộ cận nghèo, với tổng kinh phí
thực hiện trên 13 tỷ đồng. Chương trình tín
dụng ưu đãi hộ nghèo gắn với hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ kỹ
thuật, thực hiện các chính sách trợ giúp về y tế, giáo dục, học nghề, việc làm.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng
năm được 0,53 %.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc
làm theo chương trình mục tiêu cũng được tập trung đúng mức, với nhiều giải
pháp cụ thể, thiết thực và đồng bộ. Hàng năm tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng
các hình thức được nâng lên 70 % vào năm 2020, và có khoảng 2.650 lao động được giải quyết việc
làm hàng năm.
Song hành cùng nhiệm vụ phát triển kinh
tế, đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua công tác quân sự, quốc phòng được
tăng cường, đạt kết quả khá toàn diện; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế
trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân được củng cố và gắn kết
chặt chẽ. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, gọi công dân nhập ngũ
hàng năm đều đạt chỉ tiêu.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
tiếp tục được giữ vững. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được triển khai
đồng bộ, nhờ đó những vụ việc phức tạp phát sinh trên địa bàn được giải quyết
cơ bản. Với tư thế sẵn sàng chiến đấu và đề cao tinh thần cảnh giác
cách mạng, bất cứ tình huống nào, lực lượng cũng kịp thời có mặt,
ngăn chặn và trấn áp tội phạm, giữ gìn sự bình yên và cuộc sống
của nhân dân.
Với mục tiêu chung “xây dựng một nền hành chính dân
chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại và hoạt động có hiệu lực
hiệu quả”, trong những năm qua, thị xã đã đề ra những giải pháp và mô hình mới
để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và là địa phương thực hiện tốt công tác
cải cách hành chính. Trong 15 năm qua, đã cắt giảm từ 1/3 đến ½ thời gian giải
quyết các dịch vụ hành chính công trên tất cả các lĩnh vực. Đã và đang triển
khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong cung ứng dịch vụ hành chính mức độ 3,4 và triển khai chính quyền điện tử.
Đến cuối tháng 3/2020, tổng số TTHC của thị xã La Gi là 492 thủ tục, trong đó,
có 108 thủ tục hành chính được UBND tỉnh phê duyệt ở mức độ 3,4 xây dựng trên
cổng dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ
sơ hành chính giải quyết đúng hẹn hàng năm tăng cao. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn giảm.
Từ 9.92 % vào năm 2007, đến năm 2019 tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn chỉ còn 0,43 %.
15 năm xây dựng thị xã, với những nhiệm vụ và mục tiêu
mới, vượt qua những khó khăn, La Gi đã đạt được những thành quả đầy phấn khởi
từ sự nổ lực, đồng tâm, hợp sức của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ và các tầng
lớp nhân dân La Gi. Với thế và lực mới đang diễn ra một cách sôi động,
cũng là cơ sở để nhìn lại một chặng đường đã qua, mang một ý nghĩa
rất đáng tự hào, để rồi từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển thị xã trong
những năm tiếp theo.
Mười lăm năm lên đô thị, người dân La Gi luôn tự hào
về sự phát triển từng ngày của quê hương. Với truyền thống cách mạng
kiên cường, luôn đoàn kết, gắn bó và đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của
Đảng, con người La Gi luôn trọn nghĩa,
vẹn tình, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó để cùng Đảng bộ và chính quyền địa
phương khai thác hiệu quả tiềm năng sẳn có, phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội
và đầu tư mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển đô thị ngày càng hiện đại, văn
minh và giàu đẹp, xứng đáng là đô thị hạt
nhân, trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội phía nam của tỉnh Bình Thuận./.
Thúy Nga-Công Dũng-Nguyễn Lào