TỰ HÀO CHUNG SỨC GIỮ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG

    Thị xã La Gi là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn của tỉnh Bình Thuận với tổng số phương tiện hành nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển là 2.059 chiếc với hơn 10.970 lao động; trong đó có 1.084 phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất từ 90 CV trở lên gồm các ngành nghề chính như: kéo đôi, kéo đơn, câu khơi, lưới rê, vây rút chì, lưới mành… Năm 2019 vừa qua, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn thị xã La Gi đạt 62.800 tấn, đạt 100,5% kế hoạch, bằng 100,06 % so cùng kỳ năm trước. Với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa đã tạo đà cho các hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân phát triển, năng lực tàu thuyền theo đó cũng tiếp tục tăng. 
    Hiện thị xã La Gi có 79 tổ thuyền đoàn kết trên biển, với 884 tàu, thuyền. Mỗi tổ trung bình có từ 5 đến 6 phương tiện tham gia. 
Nghề biển luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là khi đánh bắt ở những ngư trường xa và thường xuyên đối mặt với giông bão. Vì vậy, đánh bắt theo tổ, đội được xem là hướng đi bền vững trong khai thác hải sản. Trong đó, sự đoàn kết của ngư dân khi đánh bắt trên biển là điều hết sức quan trọng giúp cho ngư dân La Gi vững tin hơn trong những chuyến ra khơi, bám biển dài ngày. Đồng thời, góp phần phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, khai thác hải sản, nâng cao thu nhập trên từng chuyến biển. Cũng như các tổ thuyền đoàn kết trên biển khác của thị xã, các thành viên Tổ thuyền đoàn kết số 3 phường Bình Tân thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, thời tiết, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt. Và tùy theo điều kiện thực tế, mà mỗi tổ đoàn kết sẽ đưa ra quy chế hoạt động sao cho phù hợp. Không chỉ vậy, trong quá trình lao động trên biển, ngư dân trong tổ còn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau về mọi mặt, đoàn kết, giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra.

    Điển hình là tại Tổ thuyền đoàn kết số 3 - phường Bình Tân. Các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, thời tiết, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt. Không chỉ vậy, trong quá trình lao động trên biển, ngư dân trong tổ còn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau về mọi mặt, đoàn kết, giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra.
    Thông qua hoạt động của các tổ đoàn kết trên biển, ngành chức năng cũng thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, nhất là triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

    Và rồi dẫu có bao nhiêu gian khó, không ít hiểm nguy, nhưng ngư dân La Gi vẫn luôn thể hiện sự quyết tâm, ngày đêm cứ kiên cường bám biển trên những con tàu rẽ sóng ra khơi. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên các ngư trường khẳng định chủ quyền vùng biển Việt Nam. Bởi hơn ai hết, chính mỗi ngư dân là thành viên các tổ thuyền đoàn kết trên biển đều hiểu rằng, sự hiện diện của mình trên ngư trường không chỉ là cuộc mưu sinh, là tiếp nối truyền thống nghề nghiệp của gia đình mà còn là hành động thể hiện quyết tâm bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và thật tự hào khi được chung sức giữ biển đảo quê hương và làm chủ vùng biển của tổ quốc./. 
                                                                       Minh Duyên – Công Dũng (Đài La Gi)

 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang