Di
chỉ Đá Hàng nằm bên hữu ngạn con Sông Lũy, phía tả ngạn là thị trấn Phan Rí Cửa
có dân cư đông đúc, giữa sông có Cù Lao nổi lên nằm ở vị trí giao nhau giữa con
Sông Lũy và Sông Đồng. Di chỉ này nằm trên khu vực đồi cát trắng (đồi cát trắng
này phân bố trên địa phận của 2 xã: Phan
Rí Thành, huyện Bắc Bình và thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong), ở vị trí cách
Sông Lũy 150m, cách mũi phía Bắc Cù Lao giữa Sông Lũy hơn 300m, cách Ủy ban
nhân dân thị trấn Phan Rí Cửa hơn 1,4km, ở độ cao 9m so với mực nước biển.
Di chỉ Đá
Hàng phát hiện những hạt
chuỗi Indo-Pacific (dạng hình ống có nguồn gốc từ
tiểu lục địa Ấn Độ nhưng sản xuất rộng rãi ở Đông Nam Á). Ở di chỉ
này, một số lượng lớn hạt thủy tinh được tìm thấy khoảng 320 hạt, chiếm số
lượng nhiều nhất là các hạt màu xanh coban, kích thước nhỏ nhất là 2 mm.
Bên cạnh những hạt chuỗi bằng thủy tinh, hạt chuỗi bằng đá cũng
xuất hiện trong di chỉ nhưng với số lượng hạn chế hơn vì sự quý hiếm và khó chế
tác của nó. Trong di chỉ Đá Hàng xuất hiện hạt chuỗi bằng đá Garnet (06 hạt) ;
01 hạt chuỗi bằng đá Carnelian hình lục giác và 08 hạt hình tròn?
Những hạt chuỗi đá Garnet cũng đã được tìm thấy số lượng lớn ở di
chỉ Giếng Sen - Hàm Thuận Bắc và di chỉ Phú Sơn - Hàm Thuận Nam, các hạt chuỗi
tròn màu đỏ khá giống với các hạt chuỗi đá Carnelian ở di chỉ Đá Hàng đã được
tìm thấy với số lượng lớn.
Hạt chuỗi đá Carnelian hình lục giác rất hiếm gặp trong các di chỉ
Sa Huỳnh ở Bình Thuận. Trái lại, dạng hạt chuỗi này xuất hiện nhiều ở di chỉ
Giồng Cá Vồ (Tp. Hồ Chí Minh), Lai Nghi (Quảng Nam)…
Trang sức hình dấu phẩy là kiểu trang sức hiếm gặp trong các di
chỉ Sa Huỳnh ở Bình Thuận. Đây là di chỉ đầu tiên có loại hình trang sức này
xuất hiện. Ở di chỉ Hậu Xá II - Quảng Nam, loại hình này cũng được phát hiện
nhưng chất liệu bằng thủy tinh.
Ở Trung Quốc được xem là nơi xuất phát loại hình trang sức hình
dấu phẩy này từ thời đá mới. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có sự hiện diện
loại hình này từ sơ kỳ sắt đến thế kỷ IV - VI sau công nguyên.
Bên cạnh các trang sức bằng đá còn có các hiện vật bằng đất nung,
tiêu biểu là dọi xe sợi. Đặc điểm dọi xe sợi ở di chỉ Đá Hàng là hình nón cụt,
một số dọi được trộn cát, đá hạt lớn vào đất sét cùng có độ nung khá cao tạo
lớp áo gốm mỏng bề ngoài. Ở Bình Thuận, di chỉ Thôn 6 - Hàm Đức và Phú Trường
là những nơi phát hiện nhiều dọi xe sợi nhất.
Ngoài chất liệu đá, thủy tinh, đất nung, di chỉ Đá Hàng còn xuất
hiện thêm chất liệu đồng. Do tính chất của chất liệu, môi trường nên các hiện
vật đồng bị vỡ, biến dạng nhưng vẫn nhận diện được có hình dạng tròn, chưa rõ
chức năng.
Qua
nghiên cứu, so sánh các hiện vật ở di chỉ Đá Hàng với các di chỉ khác trong
tỉnh, các di chỉ cùng thời trong và ngoài nước (chúng tôi đã có bài về những
hiện vật này trên những phát hiện khảo cổ học năm 2022), chúng tôi đi tới một
số kết luận cơ bản là:
- Về
niên đại: di chỉ này có niên đại khoảng từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế
kỷ II - III sau Công nguyên.
- Về
đặc điểm: đây là di chỉ Sa Huỳnh điển hình với cồn cát ven biển, gần hệ thống
nước ngọt, nước nhỉ.
- Về
tính chất: đây là di chỉ mộ táng (bề mặt nhiều mảnh gốm dày được cho là mộ chum
và các hiện vật thường được tìm thấy trong mộ chum như trên), xưởng (nhiều phế
phẩm đá cuội; đá cát kết…).
Hoàng Văn Đàn - Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng