Quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật

         Ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Thông tư này thay thế Thông tư số 14/2016/TT- NNPTNT.
         Theo đó, Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT (sau đây gọi tắt là Thông tư 24) có 05 chương, 39 điều, quy định chi tiết điểm d khoản 6 Điều 15 và khoản 1 Điều 17 Luật Thú y, trong đó có nội dung: Trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; Điều kiện được công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
         Điều 3 của Thông tư quy định về cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật như sau:
         • Cục Thú y thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với: a) Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; b) Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp xã phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; c) Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp tỉnh.
         • Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.
         Quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (quy định tại Điều 4): Được miễn lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh được công nhận an toàn trong quá trình thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; được sử dụng kết quả xét nghiệm tại điểm a và điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này để làm thủ tục kiểm dịch vận chuyển động vật theo các quy định hiện hành; Được hỗ trợ tham gia các chương trình giám sát dịch bệnh động vật của Nhà nước đối với các bệnh chưa được công nhận an toàn; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; … và một số quyền lợi khác theo quy định.
         Bên cạnh đó, Thông tư 24 còn có một số quy định chung đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật thủy sản:
         Kế hoạch an toàn sinh học (quy định tại Điều 5): Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất tại cơ sở; ứng phó kịp thời với những thay đổi mối nguy gây mất an toàn sinh học tại cơ sở và các khu vực xung quanh; …
         Kế hoạch giám sát dịch bệnh (quy định tại Điều 6): Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện, …. Kế hoạch phải được xây dựng, thiết kế bảo đảm mục tiêu phát hiện có hoặc không có tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn. Thời gian giám sát đảm bảo tối thiểu 12 tháng (bao gồm cả thời gian nghỉ giữa các vụ nuôi trong năm) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh.
         Lấy mẫu và xét nghiệm mẫu (quy định tại Điều 7): Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê. Số lượng mẫu giám sát theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư. Phương thức giám sát phát hiện tác nhân gây bệnh và kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn. Tần suất lấy mẫu tối thiểu 02 lần/12 tháng, mỗi lần cách nhau ít nhất 03 tháng đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh; lấy mẫu tối thiểu 01 lần/12 tháng đối với cơ sở duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh. Xét nghiệm mẫu giám sát (khoản 6 Điều 7) được quy định:
         • Mẫu giám sát phục vụ mục đích đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh (không phục vụ xuất khẩu) phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm trực thuộc Cơ quan thú y được công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 17025, được Cục Thú y đánh giá và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định; sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y.
         • Mẫu giám sát phục vụ mục đích duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này hoặc phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật); sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y.
         Quy định chuyển tiếp (quy định tại Điều 38): Đối với các cơ sở, vùng đã triển khai xây dựng an toàn dịch bệnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực, việc cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm xây dựng; …
         Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2023, thay thế Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật./.

                                                                - Đào Duy Anh Vũ -

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang