NHÓM CÂU HỎI VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG NHƯNG KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Lượt xem: 11473

Câu 1. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động trước ngày người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19 có được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP không ?
Trả lời:

Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động phải xảy ra sau thời điểm người sử dụng lao động phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được xem xét, hỗ trợ.

 

  Câu 2. Người lao động được xác định “đang tham gia bảo hiểm xã hội” để được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp nào ?
Trả lời: 

  Người lao động được xác định là đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi người lao động có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội và chưa chấm dứt tham gia (bao gồm cả các trường hợp người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động còn nợ đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuộc các trường hợp không phải đóng bảo hiểm xã hội như: nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động,…)

 

  Câu 3. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được xác định là không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp nào?
Trả lời: 

  Theo quy định của Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật.
(2) Đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đối với trường hợp giao kết hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
(3) Không đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020.
(4) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động đã có việc làm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP hoặc thuộc các trường hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm.

 

Câu 4. Người lao động đang hưởng chế độ thai sản có được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ thêm đối với lao động nuôi con dưới 06 tuổi theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
Trả lời: 

  Người lao động đang hưởng chế độ thai sản (không phải là chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg) nếu đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và được hưởng chính sách hỗ trợ thêm đối với lao động nuôi con dưới 06 tuổi.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang