NHÓM CÂU HỎI VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG – BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Lượt xem: 3362

Câu 1. Đề nghị hướng dẫn về các nội dung được sử dụng đối với số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống COVID-19, cụ thể như thế nào? Người sử dụng lao động có thể phát tiền mặt cho người lao động hay không?
Trả lời:
QĐ số 23/2021/QĐ-TTg không quy định cụ thể về các nội dung chi, chỉ quy định nguyên tắc chung là hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ BH TNLĐ, BNN cho NLĐ phòng chống dịch Covid. Vì vậy, NSDLĐ chủ động quyết định nội dung chi hợp pháp để hỗ trợ cho người lao động phòng chống Covid-19 (chẳng hạn như: hỗ trợ bằng tiền cho người lao động; trả phí test nhanh covid cho người lao động; mua dụng cụ, phương tiện phòng chống dịch như khẩu trang, tấm chắn, dung dịch sát khuẩn…;) trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Mục I Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Trường hợp NSDLĐ hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ thì có thể tham khảo các hình thức sau: hỗ trợ hằng tháng cho từng người lao động, tương ứng với số tiền giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của chính người lao động đó; hỗ trợ đồng đều (với mức như nhau) trong tháng cho tất cả người lao động, dựa trên tổng số tiền giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả người lao động...; nhưng phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điểm c Khoản 2 Mục I Nghị quyết số 68/NQ-CP
Tóm lại, DN có quyền quyết định mức chi, nội dung chi, miễn là phòng chống dịch Covid cho NLĐ.

 

Câu 2: Mục tiêu và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động khi thực hiện chính sách giảm mức đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN?
Trả lời:
Chính sách này được xây dựng nhằm mục tiêu hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn người sử dụng lao động và người lao động trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, nhưng vẫn bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Đối tượng hướng tới của chính sách là toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động đang áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Theo quy định pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động đang đóng cho người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức từ 0,3% - 0,5 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, khi áp dụng chính sách, giảm mức đóng về 0 đồng, trong 12 tháng (từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022), ước tính người sử dụng lao động có thêm tổng số khoảng trên 3,7 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động phòng, chống COVID-19.

 

Câu 3: Thủ tục thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có đơn giản không? Trong thời gian thực hiện chính sách này (mức đóng bằng 0 đồng), thì người lao động nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có bị mất chế độ không? Hay được giữ nguyên như quy định hiện hành?
Trả lời:
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào. Người sử dụng lao động vẫn thực hiện đăng ký tham gia và đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành, nhưng áp dụng mức đóng bằng 0 đồng.
Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo chính sách này (từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022) vẫn được tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mọi chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian này vẫn được bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

 

Câu 4: Những doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm dần số lượng lao động qua các tháng, vậy có được miễn đóng bảo hiểm tại nạn và bệnh nghề nghiệp không?
Trả lời:

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tất cả các doanh nghiệp đều được áp dụng chính sách giảm đóng (tức là áp dụng mức đóng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không có thêm quy định điều kiện nào khác.
Vì vậy, với doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm dần số lượng lao động qua các tháng, dù có ít lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì vẫn được áp dụng chính sách này.

 

Câu 5: Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có được áp dụng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đối tượng được hưởng chính sách này là toàn bộ người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhận dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).
Do vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đang áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động) thuộc đối tượng áp dụng của chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang