NHÓM CÂU HỎI CHUNG
Lượt xem: 10041

Câu 1. Nguyên tắc hỗ trợ
Trường hợp người lao động đã hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó đủ điều hưởng ở mức cao hơn trong cùng chính sách hoặc trường hợp người lao động đã hưởng chính sách hỗ trợ có mức hỗ trợ thấp, sau đó đủ điều kiện có hưởng chính sách hỗ trợ có mức hỗ trợ cao hơn, vậy những trường hợp đã nêu có được hỗ trợ bổ sung phần chênh lệnh không?

Trả lời:
Nghị quyết 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc: Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ.
Một số trường hợp đặc biệt, không trái với nguyên tắc nêu trên như sau:
- Trường hợp người lao động đã hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó đủ điều hưởng ở mức cao hơn trong cùng chính sách thì bổ sung thêm hồ sơ để được hỗ trợ bổ sung phần chệnh lệch.
- Trường hợp người lao động đã hưởng chính sách hỗ trợ có mức hỗ trợ thấp, sau đó đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ có mức hỗ trợ cao hơn thì nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ có mức hỗ trợ cao hơn để được hỗ trợ bổ sung phần chênh lệnh.

Câu 2. Thế nào là trường hợp NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Tạm dừng 1 vị trí công việc hay tạm dừng một phần hoạt động hay tạm dừng toàn bộ hoạt động? (để được hưởng theo quy định tại Điều 13, Khoản 2 Điều 38 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg)
Trả lời:
Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không quy định NSDLĐ phải tạm dừng toàn bộ hoạt động. Do vậy, NSDLĐ phải tạm dừng 1 vị trí công việc, tạm dừng một phần hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước đều được coi là tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, đối chiếu thêm các điều kiện khác để xem xét có đủ điều kiện hỗ trợ không.

Câu 3. Theo quy định doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện: doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân), vậy những doanh nghiệp không hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian này có được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hay không?
Trả lời:
Với những địa phương có quy định “doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện: doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm 1 cung đường - 2 địa điểm” thì những doanh nghiệp không hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian này được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Câu 4. Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo những phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” nhưng người lao động không đồng ý làm việc theo yêu cầu doanh nghiệp vì những lý do: hoàn cảnh khó khăn, gia đình cần người chăm sóc hoặc cho rằng không đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc...thì những trường hợp này doanh nghiệp phải thực hiện chính sách pháp luật lao động như thế nào?
Trả lời:
Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo những phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” thì hai bên NLĐ và NSDLĐ thống nhất để xác định theo một trong các cách sau:
- Thống nhất với người lao động tạm hoãn HĐLĐ theo điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 115 BLLĐ. Trường hợp này, người lao động thuộc diện được hỗ trợ chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận nghỉ không lương theo theo quy định tại chương IV (Điều 13 đến Điều 16) của QĐ 23.
- NSDLĐ cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, người lao động có thể được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của QĐ 23.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động, như: thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo Khoản 3 Điều 34 BLLĐ; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo điểm c Khoản 1 Điều 36 BLLĐ;...

Câu 5. Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động nhưng các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng pháp luật lao động (không ký hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội…) sẽ không thỏa mãn điều kiện đễ thụ hưởng các chính sách theo quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, vậy địa phương dự kiến đưa những đối tượng này vào chính sách số 12 của Nghị quyết 68/NQ-CP (một số đối tượng đặc thù khác) để thực hiện hỗ trợ có được không? Hay trách nhiệm hỗ trợ này thuộc người sử dụng lao động?
Trả lời:
Nhóm đối tượng người lao động làm việc cho người sử dụng lao động nhưng các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng pháp luật lao động (không ký hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội…) có thể được đưa vào chính sách số 12 của Nghị quyết 68/NĐ-CP (một số đối tượng đặc thù khác) để thực hiện hỗ trợ. Các địa phương quy định cụ thể dối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ với nhóm đối tượng này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang