TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VỀ KINH PHÍ XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ KHUYẾT TẬT
Lượt xem: 5741

Nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri: “Hội đồng cấp xã chưa đủ nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá – quyết định mức độ khuyết tật nên phải chuyển lên tuyến trên đánh giá kết luận, nhưng Hội đồng cấp xã phải chịu kinh phí là không phù hợp. Đề nghị ngành chức năng của tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, vì cấp xã không đủ kinh phí”. (Theo Công văn số 5866/VP-KGVXNV ngày 17/12/2020 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về việc trả lời phản ánh, kiến nghị của cử tri xã Đa Kai, huyện Đức Linh)

Nội dung trả lời của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2418/SLĐTBXH-BTTN ngày 21/12/2020:

Hiện nay, việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện (sau đây gọi tắt là Thông tư số 01). Tuy nhiên, đối với các trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật và khoản 4 Điều 5 Thông tư 01).

Đối với các trường hợp được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật giới thiệu cho Hội đồng Giám định y khoa  thực hiện thì phải chi trả chi phí giám định theo quy định tại Thông tư liên lịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của liên Bộ: Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 34)Thông tư số 243/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy Giám định y khoa (sau đây gọi tắt là Thông tư số 243). Tương ứng với các trường hợp sau:

- Cá nhân khi yêu cầu giám định y khoa phải nộp phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa cho cơ sở thực hiện giám định y khoa (khoản 1 Điều 2 Thông tư số 243) – sau đây gọi là trường hợp 1;

- Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật (Hội đồng cấp xã) và giới thiệu cho Hội đồng giám định y khoa thực hiện (điểm a Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật), chi phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, do tổ chức đề nghị giám định chi trả (khoản 2 Điều 2 Thông tư số 243 và khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 34) – sau đây gọi là trường hợp 2;

- Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác (điểm b, điểm c Khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật):

+ Nếu kết quả khám giám định đúng như khiếu nại, tố cáo thì phí giám định y khoa được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, do tổ chức đề nghị giám định chi trả (khoản 2 Điều 2 Thông tư số 243 và điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 34) – sau đây gọi là trường hợp 3;

+ Nếu kết quả khám giám định không đúng với khiếu nại, tố cáo thì phí giám định y khoa do cá nhân hoặc tổ chức khiếu nại, tố cáo chi trả (điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 34) – sau đây gọi là trường hợp 4.

Như vậy, các trường hợp 2 và trường hợp 3 được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí giám định y khoa, đã được quy định tại Luật người khuyết tật và các thông tư hướng dẫn của các Bộ: Tài chính, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức phí giám định được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 243. Nguồn kinh phí chi trả phí giám định y khoa được sử dụng từ nguồn ngân sách cấp huyện giao dự toán cho các xã, phường, thị trấn.

Ý kiến về “cấp xã không đủ kinh phí”: Trường hợp thiếu nguồn để thực hiện chi trả phí giám định y khoa thì UBND các xã, phường, thị trấn có báo cáo bằng văn bản gửi phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện để cân đối, tham mưu UBND cấp huyện cấp bổ sung.

Lâm Thị Thu Thảo - Phòng BTXHTH

Tin khác
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang