Hội nghị trực tuyến “Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức
Lượt xem: 449

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, thảo luận và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội năm 2023, vào lúc 08 giờ 00 phút, ngày 14 tháng 01 năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến với sự tham dự của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

 

(hình ảnh tại điểm cầu Trung ương)

Tại tỉnh Bình Thuận, tham dự tại điểm cầu cấp tỉnh có đồng chí Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ trì Hội nghị và 40 đại biểu gồm các đồng chí trong Ban Giám đốc; Trưởng, phó các phòng chuyên môn; Trưởng, phó các đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và xã hội; đại diện lãnh đạo của một số Sở, ngành: Ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố có 45 đại biểu tham dự là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và công chức thuộc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Nội vụ - Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phú Quý.

 

(hình ảnh tại điểm cầu của tỉnh)

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Ngành trong năm 2022. Mặc dù phải trải qua những thách thức, khó khăn rất lớn của thời kỳ hậu COVID-19 cùng với những biến động nhanh, khó lường trên thế giới và trong nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân trong nước, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt và sáng tạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19. Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổ chức đưa gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện sâu rộng, thiết thực, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ,…Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.

Bộ trưởng khẳng định, đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt và sáng tạo của Đảng và Nhà nước, do toàn Ngành đã dồn lực trong việc tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp linh hoạt, sáng tạo và kịp thời nhằm ổn định thị trường lao động; tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi sản xuất và các chính sách an sinh xã hội ngắn hạn và lâu dài. Bên cạnh đó là sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan liên quan, nhất là sự vào cuộc của các địa phương, qua đó đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi và bắt đầu tạo lập được sự ổn định.

 Tuy nhiên, trong năm 2023 và trong thời gian tới, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề xã hội cần phải giải quyết trước mắt, đó là:

(1) Vấn đề già hoá dân số: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng như: thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

(2) Sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm: Đó chính là vấn đề di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thoả đáng.

(3) Vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số,...

(4) Vấn đề việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%, đó là một thử thách đối với hệ thống an sinh xã hội trên các phương diện như: bảo hiểm xã hội, năng suất thấp, khả năng tiếp cận hỗ trợ từ thị trường lao động,...

(5)Vấn đề hiện thực hoá khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội với yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Đứng trước những thách thức đó, trong năm 2023, Ngành phải nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Triển khai toàn diện thiết thực, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là người có công, đối tượng yếu thế và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với trung ương, giữa các ban, ngành…

(Trích bài phát biểu của đồng chí Đào Ngọc Dung tại Hội nghị)

                                                                                  VĂN PHÒNG SỞ

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang