Ngành Công Thương Bình Thuận: Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021
Điểm số DDCI của
Sở Công Thương Bình Thuận năm 2020 đạt 70,60/100 điểm trong
nhóm tốt của tỉnh, có 06/8 Chỉ số thành phần được đánh
giá tốt và 02/8 Chỉ số thành phần chưa được đánh giá tốt (Tính ứng dụng Công
nghệ thông tin: 6,4 điểm; Cạnh tranh bình đẳng: 6,98 điểm). Thực hiện Chỉ thị của
Tỉnh uỷ, Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương và Ủy
ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ
về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và của tỉnh năm 2021, Sở Công
Thương Bình Thuận đã ban hành các Kế hoạch của ngành triển khai thực hiện.
Năm 2021, dù ảnh
hưởng của đại dịch Covid-19, các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của ngành
không hề giảm, thậm chí nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (như dịch vụ
công trực tuyến, thương mại điện tử, giao thương trực tuyến...). Cộng đồng
doanh nghiệp của ngành ghi nhận những kết quả, tiến bộ tích cực trong thực hiện
Nghị quyết này.
Thứ nhất, minh
chứng rõ nét nhất cho kết quả PCI trong năm 2021 là các chỉ tiêu ngành Công
Thương Bình Thuận đạt và vượt so mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: Giá trị sản xuất
ngành công nghiệp; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hoá; giá
cả thị trường nhìn chung ổn định, cung ứng lưu thông hàng hoá trong tình hình dịch
Covid-19 được đảm bảo thông suốt. Đây là kết quả của sự chỉ đạo tập trung, quyết
liệt của cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của đội ngũ công chức viên chức
của ngành và doanh nghiệp ngành Công Thương Bình Thuận. Tổng vốn đầu tư dự án của ngành đạt khoảng 22.083,4 tỷ đồng/40.050 tỷ đồng tổng thu hút đầu tư xã hội toàn tỉnh
(chiếm trên 55% tổng vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh).
Thứ hai, ngành Công Thương Bình Thuận đã tạo điều
kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động sản
xuất kinh doanh, thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính rút ngắn thời gian
nhanh nhất theo quy định, kết quả đánh giá, xếp hạng của Sở trong giải quyết thủ
tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh năm
2021 dược đánh giá Xuất sắc, cải thiện 01 bậc so với năm 2020, xếp hạng 4/18 Sở
ngành toàn tỉnh. Song song với đó cùng đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình
triển khai thực hiện, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các
giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện các công trình, dự án lớn của
ngành hoàn thành đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong năm
đã triển khai thi công hoàn thành, phát điện 06 nhà máy điện gió với tổng công
suất 235 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 10.139 tỷ đồng, nhằm góp phần đảm bảo an
ninh năng lượng quốc gia, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
về phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp và
ngân sách địa phương.
Thứ ba, tập
trung chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg
ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt“Chương trình chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành
chính; đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng
với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là một
trong những điểm mới của Nghị quyết 02 năm nay. Trong đó, ngành tập trung thực
hiện: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phát triển thương mại điện
tử, giao thương trực tuyến,... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,
xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Kết quả
thẩm định ứng dụng công nghệ thông tin của ngành năm 2021 được đánh giá ở mức Tốt,
cải thiện 04 bậc so với năm 2020, nâng từ vị trí thứ 14 lên vị trí thứ 10 trên
tổng số 18 Sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục cải
thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ
doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư và góp phần nâng cao
chỉ số PCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành Công Thương Bình Thuận sẽ
tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như:
Xây dựng và triển
khai thực hiện Kế hoạch của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực
hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
quốc gia và của tỉnh trên lĩnh vực Công Thương Bình Thuận năm 2022; trong đó tập
trung các nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục tăng
cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch
Covid-19 tại cơ quan, đơn vị và trên lĩnh vực ngành, tháo gỡ khó khăn, phục hồi
phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Thực hiện tốt
các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của
tỉnh. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI,
Chỉ số Par Index, Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS. Triển khai thực hiện hiệu quả Bộ
chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã,
thành phố (DDCI) tỉnh Bình Thuận năm 2022.
Tập trung tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các
dự án, nhất là các dự án năng lượng (điện gió, điện mặt trời, các công trình
truyền tải điện); đôn đốc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm
công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.
Tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh triển khai Kế hoạch Phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ
cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước năm 2022. Triển khai đồng
bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, củng cố và khai thác có hiệu quả các thị
trường xuất khẩu truyền thống, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội
từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại,
hình thức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tiếp, trực tuyến trong
tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất
khẩu các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh. Phát huy hiệu quả hoạt động của Cảng
Quốc tế Vĩnh Tân gắn với phát triển các dịch vụ logistics.
Phối hợp với Cục
Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cùng với các đối tác của sàn thương mại điện
tử như: Shopee, TiKi, Sendo, Lazada,… hỗ trợ mở các gian hàng nhằm hỗ trợ doanh
nghiệp quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm
thanh long, thủy sản, nước mắm và các sản phẩm nông sản khác của Bình
Thuận và từng bước hướng dẫn các doanh nghiệp tự chủ trong các hoạt động thương
mại điện tử.
Định kỳ tiếp
xúc, làm việc các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu để nắm bắt tình
hình sản xuất kinh doanh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh
xuất khẩu. Cập nhật, phổ biến thông tin thị trường, rào cản kỹ thuật từ các nước
nhập khẩu cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu./.