Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2021.
Lượt xem: 844

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, đặc biệt là đợt bùng phát dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2021 ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, phía Nam (trong đó có tỉnh Bình Thuận), nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo kịp thời, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của các sở ngành, doanh nghiệp, cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, tình hình sản xuất công nghiệp năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt được một số kết quả nhất định; cụ thể:

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2021 ước thực hiện 35.978 tỷ đồng, đạt 89,65% kế hoạch, tăng 6,14% so với năm 2020; trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng 1.918 tỷ đồng, tăng 51,4%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo 17.543 tỷ đồng, tăng 4,78%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 16.264 tỷ đồng, tăng 4,09%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 253 tỷ đồng, giảm 4,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt 106,37%, trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 135,05%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 104,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt 104,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải ước đạt 101,5%.

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 14/16 sản phẩm tăng so cùng kỳ; trong đó, một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao như: Đá xây dựng các loại (+42,68%), giày, dép các loại (+42,23%), cát sỏi các loại (+13,93%), sản phẩm may mặc (+7,05%), thức ăn gia súc (+11,05%), sơ chế mủ cao su (+28,05%).

Hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì và có mức tăng trưởng trung bình khá so với năm 2020 do có sự đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tập trung đẩy mạnh sản xuất để chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ cho 02 công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh là: đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước ít bị tác động về yếu tố nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng và đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp. Việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước như: bản đồ chung sống với covid-19, phương án sản xuất 3 tại chỗ, chiến dịch tiêm chủng,… cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất điện và phân phối điện đã góp phần duy trì và từng bước đưa doanh nghiệp ổn định, thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, ngày 27 tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQUBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; trong đó, tập trung hỗ trợ miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến sản xuất công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm thời gian làm việc.          

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì nhiệm vụ được đặt ra là thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;  xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công nghiệp đặt ra, cụ thể: (1) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực theo hướng phát triển 03 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển; (2) Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện khí; (3) Tập trung triển khai đầu tư khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp: Tuy Phong, Sơn Mỹ 1 và Tân Đức, các cụm công nghiệp: Sông Bình, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2, Nam Hà 3, Tân Bình 1, Nghị Đức để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp; (4) Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong khu, cụm công nghiệp; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; (5) Khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh; (6) Kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng, các dự án sản xuất các thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy; (7) Thực hiện tốt các chính sách khuyến công và các biện pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế hợp tác; mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập