Kết quả 05 năm triển khai thực hiện Đề án “Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan” mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận.
Lượt xem: 1853

         Thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 và một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1521/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2016 phê duyệt Đề án “Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan” mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận.

Nội dung Đề án “Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan” mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn gắn liền với Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03 tháng 09 năm 2013 (Quy hoạch titan) và được phát triển hình thành khu chế biến tập trung tại khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh, đảm bảo gắn liền với vùng nguyên liệu, phù hợp với quy mô công suất, tính chất công nghệ của quặng, thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và xử lý môi trường. Cụ thể:

Khu vực phía Bắc tỉnh: Huy động toàn bộ tài nguyên khoáng sản các mỏ sa khoáng titan ở các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và Thành phố Phan Thiết với tổng trữ lượng theo mục tiêu thăm dò khoảng 131 triệu tấn. Trong kỳ quy hoạch đến năm 2020, tổng công suất cấp phép là 950,8 nghìn tấn/năm khoáng vật nặng có ích (KVNCI), sản lượng ilmenit là 779,6 nghìn tấn/năm sẽ được cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu titan trong Khu công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình (huyện Bắc Bình), để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây sẽ là khu vực chính để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan của tỉnh Bình Thuận và cũng là Trung tâm ngành công nghiệp titan mang tầm quốc gia theo Kết luận số 76-KL/TW ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Bộ Chính trị.

Khu vực phía Nam tỉnh: Huy động toàn bộ tài nguyên khoáng sản các mỏ sa khoáng titan ở các huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân với tổng trữ lượng theo mục tiêu thăm dò khoảng 1.207 nghìn tấn. Trong kỳ quy hoạch đến năm 2020, tổng công suất cấp phép là 249 nghìn tấn/năm KVNCI, sản lượng ilmenit là 203,6 nghìn tấn/năm sẽ được cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu titan trong Cụm công nghiệp Thắng Hải (huyện Hàm Tân), để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây sẽ là khu vực thứ hai để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan của tỉnh Bình Thuận (sau khu vực phía Bắc tỉnh).

Qua hơn 05 năm thực hiện, đến nay việc triển khai thực hiện Đề án “Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan” mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận đạt được một số kết quả về phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư dự án chế biến sâu titan, cụ thể:

- Khu công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình với diện tích 300ha, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 tại Công văn số 1555/TTg-KTN ngày 30 tháng 9 năm 2013. Dự án đã hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, đang triển khai xây dựng hạ tầng cơ bản hoàn thành. Kết quả đến nay đã thu hút được 02 dự án đầu tư thứ cấp, gồm: 01 dự án chế biến sản phẩm Pigment (đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với quy mô công suất 80 nghìn tấn/năm, đang triển khai thủ tục đầu tư và  01 dự án Nhà máy nghiền Zircon siêu mịn Sông Bình, quy mô công suất 35.000 tấn/năm, đã triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.

- Cụm công nghiệp Thắng Hải 1, 2 với tổng diện tích 90ha cũng đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đã triển khai xây dựng hạ tầng cơ bản hoàn thành (Thắng Hải 1). Đến nay, đã thu hút được 01 dự án thứ cấp là Nhà máy xỉ titan với quy mô công suất 60.000 tấn/năm; do khó khăn về nguồn nguyên liệu, công nghệ, thị trường nên dự án chưa đầu tư hoàn thành.

- Ngoài các dự án chế biến sâu titan đã triển khai đầu tư xây dựng trong khu, cụm công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan nêu trên, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn có 01 dự án Nhà máy luyện xỉ titan với công suất 24 nghìn tấn/năm và 02 dự án nghiền bột zircon với công suất 15 nghìn tấn/năm được cấp phép đầu tư trước khi Quy hoạch titan được phê duyệt; đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất.

Thực trạng hiện nay cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mới có dự án chế biến xỉ titan (01 dự án 24.000 tấn/năm) và chế biến bột nghiền zircon (03 dự án 50.000 tấn/năm) được triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là việc sản xuất xỉ titan có chi phí đầu vào lớn (điện, tiêu hao nguyên liệu, xử lý môi trường…) đã tạo nên giá thành sản phẩm cao; công nghệ chưa phù hợp, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế nên dự án đang tạm dừng hoạt động sản xuất. Qua thực tế cho thấy, để chế biến sâu quặng titan đến các sản phẩm pigment, titan kim loại, titan xốp đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và rất khó tiếp cận công nghệ do các Công ty nước ngoài nắm giữ, hạn chế chuyển giao công nghệ nên khó khăn trong việc tạo thế mạnh riêng trong ngành chế biến sâu titan ở tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung; do vậy, việc đầu tư chế biến các sản phẩm rutil nhân tạo, titan xốp/titan kim loại, ferotitan theo mục tiêu đề án đặt ra, chưa được các nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện, kể cả công tác chuẩn bị đầu tư; mặc dù tỉnh Bình Thuận đã có quy hoạch khu, cụm công nghiệp chế biến tập trung khoáng sản titan dành để bố trí cho các nhà đầu tư chế biến sâu quặng titan, nhưng đến nay chỉ có dự án Nhà máy nghiền Zicon siêu mịn Sông Bình, quy mô công suất 35.000 tấn/năm triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất.

         Mặt khác, các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy hoạch hầu hết đang tạm dừng hoạt động và dừng xem xét cấp giấy phép mới theo chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận nên việc hình thành “Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan” mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận như nội dung Kết luận số 76-KL/TW ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Bộ Chính trị càng trở nên khó thực hiện, chưa đạt được các nội dung theo mục tiêu của đề án; đồng thời, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quy hoạch titan. Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ lập Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2020, trong đó có Quy hoạch titan.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập