Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tổng kết, tập huấn tập huấn nghiệp vụ công tác phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2022

 

Ngày 22/3/2022 tại thành phố Hồ chí Minh, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2022. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

 Quang cảnh Hội nghị tại thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm của các Đội liên ngành và Sở Thông tin và Truyền thông giảm. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Một số kết quả nổi bật trong năm 2021

- Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy (giảm 43,6%) và ban hành 32 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 782.000.000 đồng (giảm 4,4%); tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm (tăng 15%).Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như: Hà Nội tiến hành 105 cuộc (giảm 78%), xử phạt 420.000.000 đồng (giảm 13%), tịch thu 140.405 xuất bản phẩm (tăng 418%); Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành 5 cuộc, xử phạt 155.000.000 đồng; Hòa Bình tiến hành 53 cuộc, Ninh Bình tiến hành 51 cuộc, Vĩnh Long tiến hành 31 cuộc.

- Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) bắt gần 4 triệu sách giáo dục lậu của Công ty Cổ phẩn in và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát và các đơn vị liên quan là vụ việc được cả nước ghi nhận lớn nhất từ trước tới nay; giữ hơn 3,5 triệu cuốn sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục; hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác, cùng nhiều máy móc, công cụ dùng để in ấn, sản xuất, gia công sách giả.

- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 41/QĐ-CSKT-P10 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra Công ty Cổ phẩn in và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát và các đơn vị liên quan. Cùng ngày, ra quyết định khởi tố bị can Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát; Chủ nhà sách Minh Thuận 358 Nguyễn Trãi, Hà Nội với vai trò chủ mưu, cầm đầu và 06 đồng phạm gồm: Hoàng Mạnh Chiến, Giám đốc; Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc; Hoàng Thị Ánh Vân, kế toán trưởng; Đỗ Đức Thắng, phụ trách thiết kế mẫu in thuộc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Nguyễn Đình Khương, chủ xưởng gia công sách; Nguyễn Hữu Trung, quản lý kho của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Tại hội nghị, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập huấn một số điểm lưu ý trong Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, áp dụng thêm nhiều biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022   

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo công tác phòng, chống in lậu đạthiệu quả cao trong thời gian tới, góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển chung của toàn ngành, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương chú trọng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương tăng cường nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan về phương án, cơ chế phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đội liên ngành địa phương; cũng như có phương án giải quyết khó khăn về kinh phí, nhân sự đối với Đội liên ngành địa phương. Chủ động xây dựng, hoàn thiện qui chế phối hợp giữa Đoàn liên ngành Trung ương với các cơ quan liên quan, đặc biệt giữa Đoàn liên ngành Trung ương với Tổ công tác 304 (Tổng Cục Quản lý thị trường); Hiệp Hội in Việt Nam. Đổi mới, tăng cường công tác phổ biến, tập huấn pháp luật liên quan đến hoạt động in và phòng, chống in lậu; trao đổi, hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ phòng, chống in lậu cho các Đội liên ngành theo hình thức phù hợp, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, diễn biến của các loại vi phạm pháp luật trong hoạt động in, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin tới các Đội liên ngành biết và nghiên cứu, hình thành phương án phòng, chống in lậu hiệu quả. Đoàn liên ngành sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, để nắm bắt tình hình công tác phòng, chống in lậu trên từng địa bàn, cũng như phối hợp cơ quan chức năng thực hiện một số cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại một số địa phương trọng điểm.

- Đội liên ngành địa phương và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông chủ động đề xuất Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố củng cố, bổ sung thành phần tham gia Đội liên ngành (Công an, Quản lý thị trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư...); Tham mưu với lãnh đạo các địa phương quan tâm, bố trí tài chính và các điều kiện khác để Đội liên ngành triển khai hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế... ở địa phương; phối hợp thực hiện công tác phổ biến pháp luật cho các cơ sở in, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu cho các thành viên Đội liên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, xã.  Phối hợp đồng bộ với các lực lượng (Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Đội liên ngành văn hóa, xã hội, Cục quản lý thị trường ở địa phương và các cơ quan liên quan) đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; lập hòm thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và các đơn vị trong ngành về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thực hiện hành vi in lậu, in giả, kinh doanh xuất bản phẩm trái phép, vi phạm bản quyền; Kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự./.

Giang Thanh Tâm